Khi đọc tựa đề cuốn sách "Chú bé mang pyjama sọc", có lẽ ai cũng cho rằng đây sẽ là một tác phẩm văn học vui tươi, tích cực. Tuy nhiên nội dung của câu chuyện trong sách lại nhuốm màu ảm đạm. Tác giả John Boyne đã miêu tả cuộc sống thời thơ ấu của một đứa trẻ để làm nổi bật lên thực tế tàn khốc của chiến tranh.
Truyện kể về chú bé Bruno 9 tuổi, là con trai của một sĩ quan Đức. Bruno có một cuộc sống yên bình tại Berlin - nơi luôn đông đúc với tiếng nói cười rôm rả vang lên khắp chốn, những cửa hiệu với mặt tiền sáng choang...
Thế rồi đến một ngày gia đình cậu bé buộc phải chuyển đến ở nơi khác. Ngôi nhà mới của Bruno xấu xí, lạnh lẽ với những bức tường tróc sơn, những người lính nghiêm nghị. Mọi thứ khiến cậu bé cảm thấy thật tồi tệ. Đối diện với ngôi nhà của Bruno là một "nông trại" có những người nông dân và trẻ em diện đồ pyjama kẻ sọc. Điều này làm cậu rất ngạc nhiên và tò mò. Giải đáp sự thắc mắc của Bruno, cha cậu bé chỉ trả lời rằng: "Họ cũng chẳng hẳn là người đâu Bruno". Thực chất là người cha của Bruno đang che giấu một sự thật: khu trại bên cạnh là một xưởng giết người Auschwitz.
Nhưng Bruno không thể ngồi yên được mãi và bắt đầu muốn tự đi tìm câu trả lời cho chính mình. Và rồi cậu đã gặp và kết bạn với Shmuel. Hình ảnh 2 cậu bé chơi chung với nhau còn thể hiện rõ sự đối lập giữa người Đức và người Do Thái trong trại Auschwitz thời bấy giờ. Mỗi đứa bị ngăn cách ở một bên hàng rào. Trong khi Shmuel chẳng có gì, gầy còm và luôn rụt rè thì Bruno lại có tất cả: khỏe mạnh, vui vẻ và được ăn ngon mặc đẹp. Nhưng chính sự khác biệt lớn lao ấy lại tô đậm thêm cho tình bạn đặc biệt của 2 người. Nó thể hiện ước muốn hòa bình, xóa bỏ đi ranh giới giai cấp và lên án cuộc diệt chủng người Do Thái của Đức quốc xã.
Một chi tiết để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc là khi Bruno bị ép buộc trong một tình huống khó xử và phải phủ nhận rằng cậu chưa từng quen biết Shmuel. Có lẽ đó chỉ là phản ứng tự vệ đơn thuần của cậu bé 9 tuổi nhưng lại ẩn chứa một tầng nghĩa sâu sắc hơn. Chiến tranh luôn là điều đáng sợ. Nó khiến những người lính trở nên tàn nhẫn và trẻ em thì sợ hãi.
"Tớ rất xin lỗi Shmuel. Tớ thấy tự xấu hổ với chính mình". Shnuel lắng nghe lời xin lỗi của Bruno, im lặng gật đầu, sau đó vươn tay ra khỏi hàng rào thép gai và nắm lấy bàn tay đang dang ra của Bruno. Đôi bàn tay nắm chặt là dũng khí để trao nhau vào giây phút cuối cùng.
Giây phút chiếc hàng rào bị “gỡ bỏ” cũng là lúc hai đứa trẻ hòa làm một. Chẳng còn ai phân biệt nổi đâu là Bruno, đâu là Shmuel. Đây chính là chi tiết "đinh" của câu chuyện đồng thời cũng là kết bi thương lấy đi nước mắt nhiều người. Hai đứa trẻ vẫn nắm tay nhau trong cuộc phiêu lưu thơ dại của chúng. Chúng vẫn còn một mục tiêu chung đầy cao cả và thiêng liêng, chan chứa lòng nhân ái và tình bạn. Bruno đã cảm nhận được bầu không khí âm u, những con người gầy guộc đến phát sợ. Mọi thứ trở nên thê lương hơn trong cơn mưa giông bất chợt. Cậu bé hòa vào đám đông và bị đuổi vào căn phòng chật chội cùng những người Do Thái khác. Bruno sẽ chẳng thể nào quay trở lại được nữa.
Khi bố của Bruno - một người ái quốc nhận ra sự biến mất của đứa con trai mình sau tấm hàng rào thép gai cũng là hồi kết của câu chuyện. Ông ta đại diện cho chính quyền trực tiếp gây ra nạn diệt vong của người Do Thái. Những việc làm mà ông ta cho là chính nghĩa đã gây hại cho cậu con trai duy nhất của mình.
Không có súng đạn đẫm máu, không có giọt nước mắt đau thương nhưng cuốn tiểu thuyết "Cậu bé mang pyjama sọc" lại khiến cho chúng ta đều cảm nhận được tội ác của chiến tranh. Tình bạn của hai đứa trẻ thuần khiết đến như vậy nhưng lại bị đàn áp đến mức ám ảnh. Tuy nhiên đâu đó độc giả vẫn có thể thấy được tình người vẫn luôn toát ra ở trong tận cùng đau đớn.
Mời bạn đọc đặt mua sách "Cậu bé mang pyjama sọc" của tác giả John Boyne tại nhà sách trực tuyến Kala ở LINK NÀY.
Thông tin chung về cuốn sách
|