“Nếu biết trăm năm là hữu hạn được viết bằng cả trái tim của Phạm Lữ Ân và đó chính là giá trị cốt lõi của quyển sách. Một lần bạn bỏ qua quyển sách là một lần bạn bỏ qua cơ hội lớn để chiêm ngưỡng lại bản thân mình – một tuyệt tác kỳ diệu của tạo hóa.”
Sự hữu hạn trong cảm xúc
Đôi lúc ta cho rằng tình cảm của ta là vĩnh cửu đối với một sự vật sự việc gì đó. Ta yêu một bài hát và cho rằng đó là bài tuyệt nhất mà ta được nghe. Ta thích một bộ phim và khi xem trọn bộ, ta cảm thấy giường như đó là kiệt tác bất hủ. Ta yêu một người, yêu đến nỗi nghĩ họ là duy nhất. Nhưng, cái tuyến tính của thời gian làm ta ngày càng thấm sự nhạt nhòa, tàn phai của cảm xúc.
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” mang tới cho bạn đọc một cái nhìn chưa bao giờ cũ – Cảm xúc của con người là giới hạn – Nếu bạn muốn giữ cảm xúc thì phải biết nuôi dưỡng cảm xúc. Cũng giống như bài hát kia, nếu không có bản phối và cách hát mới thì nó cũng sẽ không thoát khỏi quy luật đào thải của thị trường âm nhac. Hay tình yêu thiêng liêng của bạn, Nếu không làm mới bản thân thì cả hai sẽ chìm vào ngục tối.
“Mình không bao giờ có thể quên buổi tối hôm đó, khi mình phát hiện ra một điều rất lạ. Đó là khi mình chỉ nghĩ về bản thân mình thôi, thì mình cảm thấy cô đơn cùng cực, và hầu như không lối thoát. Lúc ấy, tất cả những người xung quanh chỉ toàn là những cái bóng vô hình. Nhưng khi mình bắt đầu “nhìn thấy” người khác, nghĩ đến người khác thì mình nhận ra thì họ cũng có một thân phận riêng của họ, và mình thật sự không cảm thấy cô độc nữa. Trong một khoảnh khắc, có lẽ chính cái cảm giác không đơn độc ấy đã cứu mình thoát khỏi cái chết. Mình tìm ra ký do để sống, không phải từ bản thân mình mà từ người khác.”
Quyển sách bắt đầu bằng sự hữu hạn cảm xúc trong tình bạn, tình yêu. Hôn nhân là một ranh giới rất mong manh giữa thiên đường và địa ngục. Do giới hạn trong cảm xúc mà mỗi bên trong cuộc hôn nhân đều cảm thấy bế tắc. Nhiều lúc họ coi nhà như là một chiến trường để đấu tranh với thực tế cơm áo gạo tiền. Mỗi ngày đi làm là một ngày vui bởi họ bỏ sau lưng những khổ sở vụn vặt, tiến đến với tự do… “Nhà chỉ là một từ ngắn ngủi, nhưng hàm nghĩa của nó thì mênh mông. Nhà trong nỗi buồn của bạn là căn biệt thự vắng người, và mỗi khi có người thì lại đầy tiếng cãi vã […]. Và tôi vẫn nghĩ rằng, nếu không nơi đâu bằng được mái nhà mình, thì tối thiểu ta có thể làm cho ký ức của mình là đừng làm cho nó trái với ý nghĩa của sự bình yên.” Những trang sách đầu tiên của “ Nếu biết trăm năm là hữu hạn” nêu bật được sự thật dung dị - con người không yếu đuối khi cô đơn mà ta gục ngã do không làm mới cảm xúc của bản thân và không nhận ra sự thay đổi của người khác.
Ta có một đám bạn thuở thiếu thời. Ngày chia tay cấp ba, đứa nào cũng viết lưu bút thật dày, thật đầy lời yêu thương và khi kết lại ai cũng mong BFF – Bạn thân mãi mãi. Nhưng tự hỏi có gì là mãi mãi? Mỗi đứa mỗi phương trời, ai cũng có bạn mới, đam mê riêng và chính chúng là những viên gạch tạo ra bức vách ngăn cách. Nhiều khi tôi và bạn cùng trách họ sao lại mau quên như thế trong khi ký ức của chúng ta về họ đã dừng lại vào những năm 18 tuổi. Ta trách họ thật nhiều và đôi khi cũng cố hàn gắn tình bạn thật nhiều. Nhưng đối với Phạm Lữ Ân thì khác, ông muốn ký ức chỉ dừng lại ở đó thôi, vì nếu có cố hàn gắn thì chắc gì đã đẹp như ta vẫn hằng mong ước.
Sự hữu hạn của đời người
Có ai đó từng tham vọng tắt nắng buộc gió do cảm thức được cuộc sống là chuỗi ngày hữu hạn. Thời gian là tuyến tính và trôi qua nhanh như cát trôi qua kẽ tay. Với tác giả, chúng ta hãy chắt chiu từng phút giây một, sống trọn tuổi trẻ. Tư tưởng đó được hòa trộn trong những mẩu truyện nhỏ về tình yêu, con người, tuổi trẻ.
Như một bài thơ nào đó mà tác giả đã đọc – Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi. Con người lắm mộng tưởng và nhiều ước mơ. Hãy bắt tay vẽ giấc mơ đó ngay hôm nay. Bởi chinh phục giấc mơ cũng giống như chinh phục người bạn thích vậy. Nếu ta e dè, lo sợ, ta chẳng thể nào tiếp cận được nó. Nếu ta đang chìm đắm trong nó nhưng lại chỉ biết ảo tưởng về tương lai ta không thể cảm nhận được sự khó khăn, ngọt ngào của hiện tại.
“Có người nghĩ rằng hưởng thụ cuộc sống đồng nghĩa với vật chất. Nhưng không. Hưởng thụ cuộc sống tức là tận hưởng mọi thứ tốt đẹp mà cuộc đời và vũ trụ mang đến cho bạn. Vật chất, tinh thần, thể xác. Cổ điển hay hiện đại. Nắng và gió, ngày và đêm. Mặt trời, mặt trăng, cây cối núi sông và cỏ dại. Tình bạn, tình yêu. Mọi thứ, nếu bạn có thể nhận ra. Đáng buồn là nhiều lúc chúng ta không nhận ra chúng, mà chỉ thấy những ảo ảnh khác. Chúng ta bị ảo giác.”
Tưởng tượng rằng mỗi người có 60 năm để sống, để yêu, để cống hiến, bạn sẽ sử dụng nó như thế nào? Những trang sách bạn đang đọc sẽ giúp bạn nhìn thấy điểm bắt đầu. Đó là khi trong bạn có một quyển sách và bạn dũng cảm viết nó trên giấy. Đó là khi trong bạn có khúc mắc, đừng ngần ngại đối diện với bản thân, thậm chí là tâm sự với chính tâm hồn mình.
“Đời người ngắn, đừng ngủ dài.” Đây là câu nói chứa đựng đầy ý nghĩa. Sự hữu hạn của cuộc sống không cho phép ta lãng phí dù chỉ là một phút cho những việc vô nghĩa. Nhưng đôi khi có những việc nhỏ nhoi lại mang đến cho ta nhiều ý vị. Sống trọn từng giây không có nghĩa là sống gấp. Nếu ta quá vội lại hóa không hay. Vội mà chi nếu nó không làm ta thấm thía từng giọt nắng ban mai, cảm nhận những cơn gió thoảng chất chứa tình. Mãi sau khi gấp quyển sách này lại, ta vẫn cứ nghe đâu đó lời Phạm Lữ Ân đang ru mình, ru đời
“Sáng hôm nay tôi nhìn em ở ngã tư. Đèn đỏ còn sáng và đồng hồ đang đếm ngược. Ba mươi chín giây. Em đang vội, chiếc xe đạp điện màu đỏ đang nhích dần lên. Không chỉ mình em, nhiều người khác cũng vội. Những chiếc xe may cứ nhích dần, nhích dần lên…
Sống là không chờ đợi dù chỉ mấy mươi giây.
Tôi nhớ có hôm nào đấy, em đã nói với tôi rằng, đó là triết lý hay, ta phải tranh thủ sống đến từ giây của cuộc đời.
Nhưng em có biết không, đừng vì bất cứ triết lý nào mà gạt bỏ đi ý nghĩa của sự chờ đợi. Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần bài học của cuộc đời. Em sẽ bằng lòng chứ, nếu em biết về điều sẽ xảy ra.
Đợi xếp hàng trong siêu thị vì biết sẽ đến lượt mình, và rằng đó là sự công bằng. Đợi tín hiệu đèn xanh trước khi nhấn bàn đạp, vì biết đó là luật pháp và sự an toàn cho bản thân. Đợi một người trễ hẹn thêm dăm phút nữa, vì biết có bao nhiêu điều bất ngờ có thể xảy ra trên đường…”
“Sao ta sống nổi với mình…”
Thành công nhất của cuốn sách – theo tôi – là việc Phạm Lữ Ân gửi gắm thông điệp sống rất tình. Ta vẫn thường nghe người này khuyên sống tích cực, người kia nói phải lạc quan. Điều đó phần lớn trong chúng ta đều nhận thức nhưng không phải ai cũng ý thức được. Những triết lý sống trong quyển sách bạn càm trên tay như những lời thủ thỉ tâm tình. Chúng ru tâm hồn ta – nhè nhàng và sâu lắng, để đến cuối có một điều gì vẫn cứ vương vấn mãi trong tâm trí ta.
“Và tôi khi đi qua tuổi mười tám, tôi nhận ra rằng đó chính là tình yêu với đất nước. Thứ tình mà trước khi bị ném vào cơn bão thực tế, tôi chưa hình dung ra cụ thể. Đât nước đó không chỉ là một hình dung trong tâm tưởng, mà là một thực thể sống vơi đất, với biển với rừng, với thể chế chính trị và những vấn đề xã hội. Đất nước không chỉ là chùm khế ngọt, con đường quê mà là sơn hà xã tắc. Tình yêu đất nước, nó khiến ta vững vàng qua mọi cơn bão. Nó thúc đẩy ước vọng bay xa. […] Bởi đó tôi ước mong sao những bạn trẻ vừa rời phòng thi đại học, hay dù bước chân vào đời, dù bạn có đi đến phương trời nào, cũng hãy giữ trong tim niềm yêu khôn nguôi với đất nước này. Vì thế bạn sẽ không bao giờ mất đi tình yêu và niềm tin tuổi trẻ.
Nếu tình yêu trai gái là thứ tình yêu lãng mạn nhất của đời người, thì tình yêu đất nước là thứ tình yêu vô cùng lãng mạn trong đời sống của một công dân. Mười tám tuổi, bạn chắc chắn phải là một công dân.
Sao ta sống nổi với mình…? là khi ta trở thành một chỗ dựa, cho bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình. Trở thành chỗ dựa cho chính bản thân là điều tối quan trọng. Bởi có những lúc không ai tin ta ngoài bản thân ta. Không ai an ủi ta và không ai vực dậy ta ngoài chính bản thân mình.
Vì vậy, ta hãy tự tin là chính mình, hãy sống cuộc sống của chính mình và không ngừng hoàn thiện bản thân. Một khi ta can đảm rũ bỏ những yếu tố làm ta nhụt chí hay những thói quen cố hữu, ta mới đi trên con đường đúng đắn.
“Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về những điều mà bạn muốn vẽ, nếu bạn dự tính càng nhiều màu sắc bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu bạn muốn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, không phải bạn."
Nguồn bài viết: Nhật Px - Bookademy
Bạn có thể tìm mua sách tại nhà sách Kala ở LINK.
.Thông tin chung về cuốn sách
|