Hầu hết tất cả chúng ta đều biết đến truyện cổ Grimm. Nhưng bạn có biết trong phiên bản gốc của Cô bé Lọ Lem, các cô chị đã cắt bỏ một phần bàn chân để mang vừa chiếc giày? Hay người muốn giết hại Bạch Tuyết chính là mẹ ruột chứ không phải mẹ kế?
Trong một cuộc phỏng vấn, Giáo sư Maria Tatar ở đại học Harvard – biên tập viên, dịch giả, người chú giải cho ấn bản 20 năm của The Annotated Grimm Brothers đã tiết lộ một số sự thật đáng ngạc nhiên về truyện cổ Grimm.
1. Jacob và Wilhelm Grimm không hề có dự định viết truyện cổ tích dành cho trẻ em. Đây là một phần của dự án học thuật để khẳng định và bảo vệ tinh thần của người Đức.
2. Edgar Taylor - một người Anh đã dịch, xuất bản những câu chuyện này ở Anh vào năm 1823 và được những đứa trẻ vô cùng yêu thích. German Popular Stories trở nên nổi tiếng đến nỗi đã tạo cảm hứng cho anh em nhà Grimm biên tập lại thành sách dành cho các gia đình. Điều này đã làm nên lịch sử khi ngày nay những câu chuyện của họ làm nền tảng cho văn học và văn hóa đại chúng ở phương Tây.
3. Anh em nhà Grimm không đi lang thang khắp các vùng nông thôn, cũng không bất chấp rừng rậm hay thời tiết khắc nghiệt để thu lượm những câu chuyện của người nông dân từ mọi ngóc ngách. Nguồn truyện của họ chủ yếu đến từ những người phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu, có học thức, đặc biệt giỏi giang. Rất nhiều người đến nhà Grimm và kể lại chuyện của họ một cách thoải mái, nhẹ nhàng, ngoại trừ một người lính nghỉ hưu kể câu chuyện của mình để đổi lấy quần áo cũ.
4. Anh em nhà Grimm tiếp tục bổ sung và chỉnh sửa bộ truyện, xuất bản ấn bản cuối cùng vào năm 1857. Đây là cơ sở cho hầu hết phiên bản truyện cổ Grimm được xuất bản ngày nay và bao gồm 210 truyện. Ngoài những chuyện ma thuật quen thuộc, cuốn sách này cũng có nhiều thần thoại về tôn giáo, truyện cười và truyện ngụ ngôn.
5. Khi nhận thấy tuyển tập truyện trở nên phổ biến trong các gia đinh, tác giả đã chỉnh sửa để phù hợp hơn với đối tượng trung lưu. Một trong những điều đầu tiên Wilhelm thực hiện chính là bỏ đi các chi tiết gợi cảm. Trong ấn bản đầu tiên của Rapunzel, chính vì Rapunzel mang thai nên mụ phù thủy mới biết đến sự ghé thăm của hoàng tử. Cô nói “Mẹ đỡ đầu ơi, tại sao quần áo của con lại bị chật, con không mặc vừa nữa”. Trong ấn bản lần thứ 7, không có một chi tiết nào ám chỉ đến hoạt động tình dục của Rapunzel. “Mẹ đỡ đầu ơi, tại sao kéo mẹ lên lại khó hơn kéo hoàng tử?”
6. Một trong những câu chuyện mà Grimm loại bỏ sau ấn bản đầu tiên là Hans Dumm. Câu chuyện kể về người đàn ông có khả năng biến phụ nữ có thai chỉ bằng điều ước.
7. Anh em nhà Grimm cũng thay đổi truyện theo nhiều hướng khác, như bổ sung các chi tiết về Cơ đốc giáo, từ ngữ dân gian đồng thời nhấn mạnh vai trò giới tính mà khán giả của họ chấp nhận. Họ trau chuốt và mở rộng các cảnh bạo lực, thường chọn các phiên bản xấu xa hơn là kết thúc có hậu.
8. Trong một số phiên bản của Rumpelstiltskin, Rumpelstiltskin trốn thoát bằng một cái thùng hay chỉ đơn giản là bỏ chạy, như trong ấn phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, trong ấn bản năm 1857, ông ấy la hét và “trong cơn thịnh nộ, ông đã dậm chân phải mạnh đến nỗi nó văng đến tận eo. Sau đó, quá giận dữ, ông nắm chân trái bằng hai tay và tự xé mình thành hai mảnh”.
9. Trong bản Cô bé Lọ Lem của Pháp, Lọ Lem tha thứ cho hai người chị kế và tìm chồng tốt cho họ. Nhưng trong phiên bản của Grimm thì không phải như vậy. Đầu tiên, cả hai người chị cắt bỏ một phần bàn chân để thử giày, và hoàng tử chỉ phát hiện họ không phải cô gái chàng tìm khi một chú bồ câu nói rằng chân họ có máu chảy ra. Cuối cùng, khi hoàng tử tìm thấy Lọ Lem, những chú chim bồ câu này đã khoét mắt của những người chị kế.
10. Không hề có bà tiên! Đúng vậy, trong phiên bản Cô bé Lọ Lem của Grimm, Lọ Lem đã dùng nước mắt của mình tưới cho một cây phỉ để có váy tham dự yến tiệc.
11. Đừng lo về việc phải hôn một chú ếch. Trong Hoàng tử ếch của Grimm, con ếch biến thành hoàng tử không phải vì nụ hôn mà khi công chúa ném nó vào bức tường trong phòng ngủ. Ngay lập tức, cô ấy được diện kiến hoàng tử và cả hai cùng đi ngủ. Trong các phiên bản về sau, tác giả nhà Grimm đã đứng đắn hơn khi sửa đổi thành chi tiết “tại buổi đấu thầu của cha cô”, hoàng tử trở thành “người chồng thân yêu và bạn đời” của cô gái.
12. Người mẹ kế ác độc trong Bạch Tuyết và Hansel và Gretel phiên bản đầu tiên là mẹ ruột của họ. Anh em nhà Grimm cho rằng họ nên bảo vệ tình mẫu tử thiêng liêng trước độc giả của mình.
13. Vì mục đích ban đầu của Grimm là bảo tồn nền văn học dân gian của Đức, Đức quốc xã đã cố gắng chiếm đoạt Children’s and Household Tales cho mục đích tư tưởng riêng của họ.
14. Các nhà văn như Margaret Atwood, Angela Carter và Anne Sexton đã sửa đổi và chuyển thể truyện cổ Grimm thành truyện ngắn, thơ và tiểu thuyết. Điều này có tác dụng tích cực đến việc phân tích truyện cổ tích và ảnh hưởng của chúng, đặc biệt là ảnh hưởng lên các điều kiện giới tính.
15. Khi truyện cổ tích ra đời, các dị bản cũng ra đời. Trên thực tế, Giáo sư Tatar cho biết, không hề có “nguyên bản” của một câu chuyện cổ tích. Vậy nên khi Jon Scieszka viết một bài chế giễu The Stinky Cheese Man và Other Fairly Stupid Tales, ông đã thay đổi từ ngữ nhưng vẫn giữ cốt truyện. Truyện cổ tích thu hút các giá trị văn hóa về thời gian và địa điểm và các phiên bản khác nhau cho chúng ta biết nhiều giá trị của người kể.
16. Thật là một sự trùng hợp thú vị khi các anh em nhà Grimm kể chuyện cổ “grim”. Trong tiếng Đức và tiếng Anh, “grim” có nghĩa là hung dữ, độc ác, tức giận hoặc khắc nghiệt.
17. Nhưng các câu chuyện có thật sự tàn bạo đến vậy? Giáo sư Tatar nói rằng hầu hết 210 câu chuyện đều kết thúc có hậu. Một trường hợp ngoại lệ là truyện The Children Who Played Butcher With Each Other.
18. Hầu như tất cả các câu chuyện đều ca ngợi sự thông minh, dũng cảm và kiên cường.
19. Một nhà lưu trữ người Đức đã phát hiện ra 500 câu chuyện cổ tích “mới” đã được Franz Xaver xon Schonwerth – một đồng nghiệp của anh em nhà Grimm sưu tầm trước đây. Theo Giáo sư Tatar, trong tuyển tập đó có các phiên bản nam của Cô bé Lọ Lem, Công chúa ngủ trong rừng, và Bạch Tuyết. Liệu anh em nhà Grimm có biết đến các phiên bản này và loại chúng ra khỏi tuyển tập của mình? Chúng ta không bao giờ biết được…
20. Phiên bản mới nhất của truyện cổ Grimm là của Philip Pullman, có tên là Grimm Tales for Young and Old. Ngoài việc mang đến cho chúng ta những câu chuyện hấp dẫn một cách mềm mỏng và hấp dẫn, Pullman còn đưa ra một số thông tin cơ bản của từng câu chuyện. Rất đáng để đọc thử.
Lược dịch từ: thestar.com